Chuyển tới nội dung

cấu trúc gia đình việt nam | Tanggiap

  • bởi

Số đông công chúng châu Âu đều công nhận gia đình là nơi có sự an toàn và quan trọng nhất trong cuộc đời. Ảnh minh họa (nguồn: Tanggiap.net)

Biến đổi cấu trúc gia đình nhìn từ các nước châu Âu

Mới đây, tại buổi Tọa đàm khoa học “Biến đổi cấu trúc gia đình – So sánh liên châu lục” được tổ chức tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội, GS. G.Féréol – Giám đốc viện Xã hội học văn hóa, Đại học Franche – Comte đã nêu ra 4 chỉ báo, gồm: (1) Các con số thống kê cho thấy các cuộc hôn nhân ngày càng giảm đến mức báo động và xảy ra ngày càng trễ trong tuổi đời con người; (2) Số lượng các cuộc li hôn/ li thân ngày càng tăng. Trong đó nữ giới ngày càng thể hiện sự độc lập nhờ những chuyển biến trong xã hội cho phép họ tự chủ về tiền bạc, thời gian và bớt lệ thuộc vào người đàn ông; (3) Chuyện nam nữ sống chung mà không trải qua hôn thú, trong đó có những cặp chung sống rất lâu trở nên phổ biến trong xã hội; (4) Chỉ số (3) đưa tới hệ quả là việc sống chung không qua hôn thú mà lại có con với nhau. Từ đó cho thấy các cặp sống tự do ngày càng tăng và có cả những người sống một mình gia tăng mạnh trong xã hội Pháp. Bên cạnh đó, những tiến bộ của y khoa cho phép mang thai hộ, điều này tạo ra sự đối đầu giữa tiến bộ khoa học với các vấn đề về luân lý và pháp lý. Một cặp sống với nhau nhưng lại nhờ người khác mang thai hộ. Như vậy, quan hệ vợ chồng với chuyện hôn nhân, sinh hoạt nam nữ, tình yêu đã bị chia ra làm 3.

Qua 4 chỉ báo, GS. G.Féréol cũng đặt vấn đề liệu rằng gia đình châu Âu nói chung, gia đình Pháp nói riêng đang gặp khủng hoảng lớn, dẫn đến bị đe dọa? Tuy nhiên, những cuộc điều tra cho thấy số đông công chúng đều công nhận gia đình là nơi có sự an toàn và quan trọng nhất trong cuộc đời và còn quan trọng cho sự thành công của con người trong xã hội. Các vấn đề về sự thủy chung, chung tình vẫn đứng đầu trong các nhận định về luân lý châu Âu. Đây là 2 luận điểm chống lại quan điểm cho rằng gia đình châu Âu đang bị khủng hoảng.

Từ cách dẫn dắt như vậy, GS. G.Féréol chỉ ra xu hướng tái cấu trúc truyền thống trong gia đình Pháp và các xu hướng coi trọng gia đình hơn các không gian khác trong xã hội. Người ta nhìn nhận gia đình không ở góc độ tự do, thoải mái mà ở góc độ an toàn nhất. Hiện nay, có xu hướng thanh niên thích sống với/gần gia đình và sống lâu với bố mẹ, khuynh hướng chăm sóc ông bà, cha mẹ thay vì đưa vào viện dưỡng lão. Đây là chỉ báo về tình cảm liên thế hệ và sự phụ thuộc giữa các thế hệ không phải là nỗi lo mà chính là sợi dây liên kết thế hệ.

Như vậy, GS. G.Féréol đặt vấn đề, cần nhìn nhận lại lập luận về sự tan vỡ của gia đình. Qua nghiên cứu trường hợp gia đình Pháp, GS. G.Féréol gợi mở vấn đề nghiên cứu về sức đoàn kết giữa các thế hệ hay có thể gọi là sức đoàn kết liên thế hệ. Đây là điều tạo nên sức mạnh của gia đình. Ngoài ra, trong nghiên cứu về tài sản gia đình, ngoài vốn vật chất cần chú ý nghiên cứu vào vốn truyền thông/ tin tức (hay có thế gọi là vốn dấn thân của thế hệ đi trước với thế hệ sau). Hai loại vốn này giúp ích rất lớn cho thế hệ sau trong việc tạo ra những thành công, thành tựu, thành tài.

Các hình thức gia đình ngày nay được nhìn nhận đa dạng. Ảnh: minh họa (nguồn: Dân trí)

Biến đổi cấu trúc gia đình Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

Theo GS.TS Đặng Cảnh Khanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, các hình thức gia đình Việt Nam ngày nay được nhìn nhận đa dạng. Bên cạch các loại gia đình “truyền thống” trước đây như một vợ, một chồng, một cha (Hoặc mẹ), tái hôn, vợ chồng không có con, cha me nuôi, gia đình mở rộng (đa thế hệ) còn có các gia đình không hôn thú, những người mẹ “xin”con, cha mẹ thuê người đẻ con,…

Bên cạnh đó, sự nghiệp đổi mới ở nước ta trong nhiều năm qua đã tác động toàn diện và sâu sắc tới tất cả các mặt của đời sống xã hội trong đó có thiết chế gia đình. Sự giải phóng năng lực sản xuất của gia đình và các thành viên trong gia đình, sự tăng trưởng kinh tế, đã không chỉ làm tăng thêm các cơ hội cải thiện đời sống gia đình mà còn là cơ sở và tiền đề quan trọng để tạo dựng nên một thiết chế gia đình bền vững.

Công tác kế hoạch hóa gia đình, sinh đẻ có kế hoạch được thực hiện trong nhiều năm cũng làm biến đổi mạnh mẽ quy mô, cơ cấu và chức năng của gia đình. Sự chuyển đổi từ mô hình gia đình đông con sang mô hình chỉ có từ một đến hai con đã khiến cho quy mô gia đình thay đổi. Quy mô gia đình nhỏ, gia đình hạt nhân ngày càng trở nên phổ biến và được khẳng định. Chỉ trong vòng 40 năm quy mô gia đình đã giảm từ 5.22 người/hộ năm 1979 xuống còn 4 người năm 2018.

Sự biến đổi về quy mô, cơ cấu và chức năng của gia đình cũng dẫn đến những biến đổi về hệ thống giá trị gia đình. Trên thực tế, sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa đã khiến cho gia đình Việt Nam có điều kiện tiếp thu những giá trị văn hóa, nhân văn mới của xã hội hiện đại. Chúng ta là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đã ký thực hiện các công ước quốc tế về quyền của phụ nữ và quyền trẻ em.

Trong khi đó, PGS. TS. Đặng Thị Hoa – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tiếp cận từ gia đình nông thôn, nghiên cứu trong mối tương quan so sánh giữa một số tộc người thiểu số để đưa tới nhận định về sự biến đổi khá mạnh mẽ trong cấu trúc gia đình, cũng như có sự khác biệt trong sự biến đổi này ở các vùng khác nhau, giữa các tộc người khác nhau. PGS. TS Đặng Thị Hoa cho rằng: Nếu như trước đây, cấu trúc gia đình ở Việt Nam thường có nhiều thế hệ cùng chung sống thì hiện nay bị phân rã thành gia đình nhỏ, gia đình hạt nhân. Cùng với đó, luận điểm được đưa ra là biến đổi cấu trúc gia đình nông thôn Việt Nam đã thể hiện rõ xu hướng phá vỡ cấu trúc truyền thống và chấp nhận những yếu tố mới của xã hội hiện đại. Những biến đổi cấu trúc và thách thức nêu trên đòi hỏi phải có những nghiên cứu với các hướng tiếp cận, các lý thuyết mới để hiểu được bản chất của vấn đề, từ đó đề xuất được các phương án, các chính sách xây dựng và phát triển gia đình tối ưu.

Quy mô gia đình Việt Nam là một tất yếu không thể tránh khỏi do tác động của toàn cầu hóa. Ảnh minh họa (nguồn: Tanggiap.net)

Như vậy, có thể thấy sự biến đổi quy mô gia đình Việt Nam là một tất yếu không thể tránh khỏi do tác động của toàn cầu hóa. Gia đình, dù được nhìn nhận với tư cách là một thiết chế xã hội cơ bản hay với tư cách là một nhóm xã hội, đều chứa đựng nhiều yếu tố tạo nên sự thay đổi. Sự thay đổi đó điều chỉnh chính bản thân gia đình cho phù hợp với xã hội và đồng thời cũng điều chỉnh xã hội cho phù hợp với điều kiện cụ thể bên ngoài. Hệ quả tạo ra là một mô hình gia đình mới có khả năng thích ứng tốt hơn với sự biến đổi của xã hội để thay thế gia đình truyền thống cũ. Đó là xu hướng tiến bộ chung dù cho cũng còn tồn tại nhiều mặt hạn chế. Điều quan trọng nhất là phải gìn giữ được những giá trị tốt đẹp, quý báu của gia đình truyền thống và phát huy những mặt tích cực của gia đình hiện đại, tạo ra một khuôn mẫu gia đình Việt Nam.

Lan Anh