Chuyển tới nội dung

Khái Quát Về Cây Thông Hai Lá | Tanggiap

  • bởi

KHÁI QUÁT VỀ CÂY THÔNG HAI LÁ

Thông hai lá, Thông nhựa – Pinus merkusii Jungh. et de Vriese, thuộc họ Thông – Pinaceae.

thong hai la

Mô tả: Cây gỗ lớn cao tới 30m hay hơn, có những đường nứt tương đối sâu. Cành lá sum sê. Gốc lá hình vẩy còn sống dai trên cành. Lá màu lục thẫm, cứng, dài 15-25cm, xếp từng đôi ở đầu các cành ngắn, gốc có bẹ lá dài từ 1 đến 2cm. Quả dạng nón, hình trứng, có cuống dài, mặt vẩy hình thoi. Hạt hình trái xoan hơi dẹp, có cánh mỏng, dài độ 2cm.

Bộ phận dùng: Nhựa Thông, đốt mắt ở cành Thông, lõi gỗ, chồi và lá – Resina, Nodus, Lignum, Gemma et Folium Pini Merkusii.

Nơi sống và thu hái: Loài phân bố ở Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, Philippin. Ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Thái, Hà Bắc, Vĩnh Phú, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Đồng Nai… để chống xói mòn và phục hồi rừng. Thu hái các bộ phận của cây quanh năm.

Thành phần hóa học: Cây cho nhựa dùng chế colophan và tinh dầu. Trong tinh dầu Thông, có hàm lượng d-a-pinen rất cao (đến 90%). Ngoài ra còn có camphen, b-pinen-A3-Caren với lượng rất ít, một ít alcol và este. Từ các pinen, người ta tổng hợp ra campho (Long não). Trong y học, campho (dạng quang hoạt) được dùng làm thuốc kích thích hoạt động của tim và hô hấp và làm một số dược phẩm khác. Từ a- và b-pinen, camphen, người ta còn tổng hợp các loại thuốc trừ sâu clofen, toxaphen, polyclopinen,… có tác dụng diệt sâu tốt. Chúng cũng dùng tổng hợp menthol.

Tính vị, tác dụng: Nhựa Thông có tính kháng sinh, sát trùng, tiêu viêm. Tùng hương có vị đắng, ngọt, tính ôn, không độc; có tác dụng táo thấp, khư phong, sát trùng, sinh cơ, chỉ thống, bài nùng. Lõi gỗ, mắt Thông hoạt huyết, tán ứ. Vỏ Thông có tác dụng tiêu viêm, giảm đau.

Công dụng, chỉ định và phối hợp: Hạt chứa dầu dùng ăn được ở Lào. Nhựa Thông hoặc tinh dầu Thông dùng chữa bệnh ngoài da, mụn nhọt, ghẻ lở. Ta có thể bôi một lớp thật mỏng, ngày bôi hai lần. Theo Nam Dược thần hiệu, nhựa Thông dùng tươi đắp vết thương mở rất chóng lành. Cũng có thể sắc nhựa khô uống. Ta thường dùng nhựa Thông phối hợp với Hoàng đơn, Sáp ong, dầu vừng, nấu thành cao dẻo dùng dán mụn nhọt, apxe.

Lõi gỗ, mắt Thông thái nhỏ sắc lấy nước uống để kích thích tuần hoàn. Cũng dùng chữa phong thấp đau nhức xương; có thể ngâm rượu cho đặc lấy nước ngâm chữa đau nhức răng.

Chồi thông được xem như là có tính bổ dưỡng.

Terpen chế từ tinh dầu Thông dùng làm thuốc ho. Bột khói tùng hương 12g cùng 20g cao da trâu, đun loãng làm thuốc uống chữa thổ huyết, băng huyết.

Vỏ Thông dùng sắc nước (100g vỏ trong 3 lít nước, sắc kỹ còn 300ml) hoặc ngâm rượu (20g vỏ băm nhỏ, ngâm trong 100ml cồn 70o), dùng chữa viêm quanh răng, răng khôn mọc lệch biến chứng, viêm lợi chảy máu.

Ở Trung Quốc, nước sắc lá dùng gội đầu làm tóc chóng mọc, làm chắc chân răng và cũng dùng trị bệnh về xương khớp.

Sưu tầm