Nguồn gốc cây Mộc Hương
Giới chơi cây vừa chứng kiến thương vụ mua bán cặp cây “huynh đệ” Mộc Hương, trao đổi với một kie lan đột biến Tuyết Đỉnh Hồng. Giá trị trao đổi trong thương vụ này được định giá là 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ đồng).
Cây Mộc Hương có tên khoa học là Osmanthus Fragrans, được biết đến dưới nhiều tên gọi khác nhau như cây Quế hoa, cây hoa Mộc, cây Mộc tê,… Đây là loài thực vật vốn có nguồn gốc từ châu Á, xuất hiện nhiều ở Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam.
Mộc Hương có thân gỗ nhỏ, thường mọc hoang, chiều cao trung bình từ 3 – 10m. Lá cây có màu xanh và có chiều dài từ 6 – 15cm, dạng bầu, mép có răng cưa và xuất hiện các đường gân rõ rệt.
Đặc điểm của Mộc Hương là hoa có màu trắng, vàng đậm hoặc vàng nhạt, tỏa ra mùi hương nhẹ nhàng giống như mùi đào, mận chín.
Mùa hoa Mộc Hương nở đẹp nhất là vào mùa thu, tuy nhiên hoa có thể nở quanh năm nên rất nhiều người ưa thích mang loại cây này về trồng trong vườn nhà.
Khi phát triển, cành lá và hoa của cây mọc xum xuê. Thế nên những người không biết rõ giá trị của Mộc Hương có thể nghĩ đây chỉ là cây dại.
Giải mã “cơn sốt” Mộc Hương
Cây Mộc Hương có thể sống rất lâu, điều này tượng trưng cho sự trường tồn, bền bỉ với thời gian, mang ý nghĩa rằng dù cho có khó khăn thế nào thì con người cũng sẽ thích nghi và vượt qua được.
Ngoài ra, cây Mộc Hương có vẻ đẹp vô cùng mộc mạc, thế nhưng ẩn sâu bên trong là hương thơm quyến rũ, ngây ngất. Điều này tượng trưng cho vẻ đẹp tiềm ẩn, thanh tao, không cầu kỳ, phô trương.
Trên thị trường chủ yếu có hai loại Mộc Hương, là Mộc Hương “ta” và cây Mộc Hương xuất xứ từ Trung Quốc. Giá trị giữa 2 giống này có sự chênh lệch khá lớn, dẫu nhiều người mới chơi khó có thể phân biệt.
Theo tìm hiểu, lá của cây Mộc Hương ta thường dày hơn, viền xung quanh lá có răng cưa. Ngoài ra, lá cây Mộc Hương ta nổi vân đậm và rõ nét hơn, có màu xanh thẫm hơn, trong khi đó, lá của cây Mộc Hương của Trung Quốc thường mỏng hơn, viền xung quanh không có răng cưa.
Theo đánh giá của các chuyên gia làm vườn, Mộc Hương ta có ngoại hình đẹp và chất lượng tốt hơn, từ đó dẫn tới cây có giá trị thẩm mĩ cao hơn và được ưa chuộng nhờ mùi hương lan tỏa và nhiều giá trị khác.
Thời xưa, nhà nào có điều kiện nhất định trong khu vực như vua, chúa hay các quan mới trồng cây Mộc Hương trong sân, vườn.
Với vẻ đẹp mộc mạc và nhiều công dụng hữu ích, Mộc Hương từng bị giới buôn cây Trung Quốc lùng mua ráo riết khắp các vùng miền núi phía Tây Bắc để đưa về nước họ trồng.
Vì thế Mộc Hương nhiều năm tuổi ở Việt Nam giờ rất hiếm. Những cây còn sót lại đều được nuôi trồng cẩn thận, có tuổi thọ cao, giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Vì là cây thân gỗ nhỏ cho nên cây Mộc Hương rất dễ để trồng trong vườn nhà mà không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài cây khác.
Nhiều người thường đặt các chậu cây Mộc Hương tại phòng khách, ban công, sân thượng để trang trí cho đẹp mắt cũng như phối hợp được hài hòa với cách bố trí nội thất trong ngôi nhà.
Nhiều người lại trồng cây Mộc Hương cảnh để làm cây bonsai. Cây rất dễ tạo hình và có tuổi thọ cao nên rất được ưa chuộng để trồng tại những căn biệt thự hoặc tại các khu vườn, công viên đẹp.
Từ đó mang lại cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt và nguồn không khí mát lành cùng mùi hương thơm nhẹ nhàng ra xung quanh.
Cây Mộc Hương còn được sử dụng để làm trà. Từ xa xưa, người dân đã có thói quen ướp lá và hoa Mộc Hương trong các ấm trà để uống. Không chỉ có mùi thơm dễ uống, trà Mộc Hương còn có tác dụng điều hòa huyết áp, giảm mỡ máu tương tự như với lá chè xanh.
Trong Đông Y, cây Mộc Hương có thể được sử dụng để bào chế thành các loại thuốc chữa bệnh khác nhau. Hoa của cây được dùng làm thuốc trị ho, giải cảm hiệu quả. Còn rễ cây Mộc Hương được dùng để chữa bệnh về xương khớp, đau lưng do thận yếu…
Ngoài ra, cây còn được sử dụng như một loại hương liệu dùng để cho các chị em phụ nữ tắm rửa và gội đầu hàng ngày. Tóc sẽ trở nên suôn mượt, làn da sẽ trở nên mịn màng, tươi tắn hơn.
Lâu nay, tinh dầu của cây Mộc Hương được con người chiết xuất để tạo thành nước hoa. Đó là bởi mùi hương nhẹ nhàng nhưng đầy cuốn hút mà loài hoa này mang lại.
(Theo Dân Trí)