PHƯƠNG PHÁP PHỎNG VẤN CÓ CẤU TRÚC & KHÔNG CẤU TRÚC
Tùy thuộc vào đặc tính ngành nghề, yêu cầu của mỗi vị trí và số lượng tuyển dụng mà nhà tuyển dụng sẽ chọn phương pháp phỏng vấn cho phù hợp và hiệu quả. Hiện nay có nhiều phương pháp phỏng vấn như sau:
- Phỏng vấn qua điện thoại
- Phỏng vấn trực tiếp
- Phỏng vấn tạo áp lực
- Phỏng vấn liên tục
- Phỏng vấn hội đồng
- Phỏng vấn hành vi
- Phỏng vấn tình huống
- Phỏng vấn năng lực
- Phỏng vấn có cấu trúc (theo mẫu chỉ dẫn)
- Phỏng vấn không cấu trúc (không theo mẫu chỉ dẫn)
Trong bài viết này chỉ tập trung vào hai phương pháp phỏng vấn chính và được sử dụng nhiều nhất hiện nay là phương pháp phỏng vấn có cấu trúc và không cấu trúc, có thể kết hợp các phương pháp phỏng vấn từ 1 đến 8 vào hai phương pháp phỏng vấn cuối là phỏng vấn có cấu trúc và không cấu trúc.
Phỏng vấn có cấu trúc
Phỏng vấn có cấu trúc là phương pháp phỏng vấn phổ biến nhất. Các ứng viên được yêu cầu trả lời một số câu hỏi có sẵn theo mẫu chung. Những câu hỏi này được thiết kế với mục tiêu kiểm tra các kỹ năng và kinh nghiệm của ứng viên, từ kiến thức chuyên môn, kỹ năng và xử lý tình huống. Người phỏng vấn sẽ chấm điểm các câu trả lời của ứng viên và ứng viên có điểm cao nhất sẽ được chọn.
Ưu điểm: Người phỏng vấn thực hiện tiến trình phỏng vấn theo đúng trình tự, giúp tiết kiệm thời gian. Ứng viên cũng có thể trả lời dễ dàng các câu hỏi trong phỏng vấn có cấu trúc.
Nhược điểm: Phỏng vấn theo cấu trúc câu hỏi có sẵn nên đôi khi không đa dạng, hoặc không giúp người phỏng vấn hỏi sâu vào các đặc điểm, năng lực riêng của ứng viên.
Phỏng vấn không cấu trúc
Phỏng vấn không cấu trúc là hình thức phỏng vấn kiểu thảo luận, trao đổi, không có bảng câu hỏi kèm theo. Thông thường các cuộc đối thoại tự do này sẽ tập trung vào kiến thức, chuyên môn, kỹ năng và khả năng giải quyết vấn đề, người phỏng vấn có thể hỏi sâu vào một vấn đề hay chuyên môn mà họ đang cần cho vị trí cần tuyển. Người phỏng vấn có thể tự do lựa chọn và khám phá các điểm cụ thể được ứng viên ghi trong hồ sơ . Phương pháp này mang đến cho người phỏng vấn một cách tiếp cận gần gũi hơn với ứng viên, từ đó có thể dễ dàng hiểu được con người thật sự và thấy được sự phù hợp của ứng viên với vị trí cần tuyển cũng như phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp.
Ưu điểm: Người phỏng vấn không bị gò bó với các câu hỏi có sẵn. Nội dung phỏng vấn có thể rất đa dạng và đi chi tiết đối với nhiều dạng ứng viên khác nhau, có nhiều thời gian để hỏi sâu những yếu tố mà người phỏng vấn cần.
Nhược điểm: Kiểu phỏng vấn này rất dễ làm cho người phỏng vấn rơi vào sự chủ quan khi thiếu đi những tiêu chuẩn công việc cần thiết và rất dễ đưa ra những quyết định cảm tính và có thể không quản lý được thời gian cho buổi phỏng vấn. Đồng thời người phỏng vấn cũng có thể bỏ qua một vài điểm quan trọng về kinh nghiệm hoặc kỹ năng của ứng viên. Hơn nữa, không phải ứng viên nào cũng cảm thấy thoải mái khi được phỏng vấn theo dạng này.
Để khắc phục nhược điểm này, bộ phận tuyển dụng có thể thiết kế các hướng dẫn trước để có thang điểm chung nhằm tạo sự công bằng trong chấm điểm, qua đó các thành viên tham gia phỏng vấn của phòng nhân sự và phòng ban chuyên môn có thể dùng chung các hướng dẫn này cho tất cả các ứng viên.
Ngoài ra, người phỏng vấn có thể áp dụng các tiêu chí trong phỏng vấn hành vi hay phỏng vấn năng lực , kết hợp vào các phương pháp phỏng vấn trên. Một buổi phỏng vấn diễn ra có thể kết hợp nhiều hình thức, cách thức tổ chức và nội dung khác nhau để đạt hiệu quả tốt nhất.
Đối với các vị trí quản lý cấp cao trở lên, các doanh nghiệp có thể đưa ra đề bài và yêu cầu ứng viên chuẩn bị một bài thuyết trình về chiến lược hoặc cách thực hiện một công việc được giao để trình bày và bảo vệ trước hội đồng phỏng vấn./.
H-TALENT SEARCH