Trên cơ sở cấu trúc đề thi môn Hóa Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, một số lời khuyên cho các sĩ tử làm tốt môn Hóa thi THPT năm 2021. Đặc biệt, học sinh cần chú ý các kiến thức lớp 11.
Cấu trúc đề thi mới nhất
Nhận xét về đề thi tốt nghiệp THPT môn Hóa học năm 2020, các giáo viên tại Tuyensinh247 cho rằng đề thi đã bám sát cấu trúc đề tham khảo đã ban hành và có mức độ phân loại cao nên phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và có thể dùng để xét tuyển vào các trường đại học.
Từ đó có thể thấy, học sinh có mục tiêu tốt nghiệp dễ dàng đạt điểm 5, học sinh khá hoàn toàn có thể đạt được điểm 7-8, nhưng điểm từ 9-9,5 sẽ ít, còn điểm 10 tuyệt đối thì chắc chắn vẫn rất hạn chế. Phổ điểm rơi vào khoảng từ 6,75 – 7,25 điểm.
Đề gồm 40 câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó, chủ yếu nội dung kiến thức lớp 12 THPT (90% – 36 câu hỏi) và một phần nhỏ kiến thức lớp 11 (10% – 4câu).
Các câu hỏi vẫn nằm trong chuyên đề quen thuộc như este – lipit, cacbohidrat, amin – aminoaxit – peptit, đại cương kim loại kiềm – kiềm thổ – nhôm, sắt…
Các câu dễ rơi vào các phần: Đại cương kim loại, cacbohidrat, polime, este – chất béo và hầu hết các phần của lớp 11. Các câu vận dụng và vận dụng cao rơi vào các chuyên đề este – lipit và amin, aminoaxit.
Theo nhận định, nội dung đề thi không quá xa lạ với học sinh, một số câu hỏi kết hợp kiến thức tổng hợp hữu cơ và tổng hợp vô cơ. Đề thi có sự phân hóa ở 8 câu cuối và chia thành các cấp độ là thông hiểu, vận dụng cũng như vận dụng cao.
Để đạt bài thi điểm cao
Theo các giáo viên, đối với các câu hỏi nhận biết, thông hiểu, học sinh cần làm nhanh và chắc chắn. Muốn làm tốt đề thi tốt nghiệp THPT phải nắm chắc kiến thức cơ bản, khi làm bài cần đọc kỹ đề, không mang tâm lý chủ quan để tránh bị lừa.
Với các câu vận dụng, các em cần tính toán cẩn thận, có cách xử lý số liệu, phương trình phản ứng cho các câu hỏi quen thuộc về các chuyên đề thường gặp như este, lipit,…
Ngoài ra, các em cần xác định mục tiêu, số điểm mong muốn đạt được để có chương trình học phù hợp, hiệu quả. Cần chú ý ôn tập thật tốt cả kiến thức lớp 11 và 12.
Những kiến thức thức cơ bản theo tinh thần sách giáo khoa cần được nắm chắc trước khi phát triển các dạng bài nâng cao.
Cùng với đó, các em cần bổ sung những kiến thức liên quan đến thí nghiệm hóa học, hiểu rõ các bước trong thí nghiệm để hoàn thành các câu hỏi về thực hành.
Để làm tốt bài thi, mỗi thí sinh cần nắm chắc kiến thức môn Toán và thành thạo trong biến đổi toán học, vì toán học là công cụ đắc lực để học tốt Hóa học.
Một điều không thể thiếu khi ôn thi là các thí sinh phải làm thật nhiều đề thi thử bám sát cấu trúc của đề thi và đề minh họa.