Họ tin rằng, tà thuật có thể điều khiển thánh thần hoặc sai khiến những linh hồn người chết tác động vào người sống để đẩy lùi mọi thứ tật bệnh và kéo dài tuổi thọ. Họ cũng tin rằng, tà thuật có thể biến một loại thực vật (cây ngải) hoặc côn trùng (trùn ngải) trở nên có linh hồn như con người.
Rất nhiều năm, PV Chuyên đề ANTG đã tiếp cận và hòa nhập với giới pháp sư để tìm hiểu về thế giới dị biệt này nhằm giải mã những bí mật của tà thuật.
Vì nhiều lý do tế nhị, trong loạt bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến một góc nhỏ trong thế giới ngầm của giới tà thuật. Đó là ngải ăn thịt.
Cuộc săn lùng vô vọng
Giữa năm 2012, nghe tin Chau Som, Hòa thượng trụ trì ngôi chùa Pnom Pi Lơ trên núi Nam Vy thuộc huyện Tri Tôn (An Giang) có nuôi loại ngải này, một nhóm pháp sư 5 người do thầy Tư Ẩn (vì lý do tế nhị, chúng tôi đổi tên nhân vật này) cư ngụ ở quận Bình Thạnh, TP HCM dẫn đầu tìm đến. Người viết bài này được Tư Ẩn cho tháp tùng.
Theo lời đồn, vị sư trụ trì ngôi chùa đó thuộc hệ phái Tiểu thừa – Pà Li – Phật giáo Nam Tông. Ngoài đạo hạnh cao, ông còn là một cao thủ về bùa, chú, ngải thuật. Ông đã dùng tà thuật cứu chữa được rất nhiều người bị rắn độc cắn trong tình trạng thập tử nhất sinh. Có người đã sùi bọt mép, tim mạch ngưng nhịp, ông đọc thần chú, dập ngải đắp vào vết thương, chỉ sau ít phút nạn nhân có thể tự ngồi dậy ra về. (?)
Thầy Tư Ẩn vạch kế hoạch táo bạo: Đích thân ông để cho rắn lục cắn. 4 người còn lại khiêng ông lên chùa để cho sư cứu chữa đồng thời quan sát tìm vườn ngải. Khi đã chấm được tọa độ, chờ cho Tư Ẩn khỏe mạnh, cả bọn sẽ chọn một đêm tối trời đột nhập vườn ngải. Thầy Tư Ẩn sẽ dùng tà thuật của mình “trục” ngải về.
Khi đến chùa Pnom Pi Lơ, Tư Ẩn và nhóm bạn hữu hoàn toàn thất vọng vì vị sư Chau Som đã qua đời. Vị sư cả truyền nhân là Chau Kim Sa chỉ mới 25 tuổi cho biết, ngày xưa ông ngoại (sư Chau Som) có “nuôi” một vườn huyết ngải trong hốc đá bí mật giữa rừng trên đình Pnom Pi Lơ. Đó là loại ngải ác nên ông ngoại không truyền thụ cho con cháu bí quyết nuôi, luyện. Ông chỉ truyền bí pháp dùng ngải trị rắn cắn cứu người. Ông qua đời mang theo cả vị trí bí mật vườn huyết ngải.
Thánh sư Chau Som, người đã từng sở hữu cây huyết ngải độc thần tướng.
Tư Ẩn cùng nhóm bạn hữu bỏ hẳn 2 ngày leo núi lùng sục và hỏi han dân địa phương nhưng vô vọng.
Trong giới tà thuật khu vực miền Nam, thầy Tư Ẩn khá nổi tiếng. Ông sinh năm 1940 ở Trảng Bàng (Tây Ninh). Năm 1960, Tư Ẩn về Bình Thành (Đồng Tháp) thọ giáo một huyền thoại tà thuật là thầy Ba Cao Lãnh. Tên khai sinh của thầy Ba Cao Lãnh là Lê Văn Khẩn.
Năm 1963, Tư Ẩn bị chính quyền chế độ cũ bắt quân dịch. Khi chia tay, Tư Ẩn được sư phụ Ba Cao Lãnh tặng một sợi dây đeo cổ có chiếc nanh heo nạm bạc đã được “tươm bùa” để đạn… tránh né. Năm 1965, kết thúc một trận giao tranh với du kích Củ Chi, Tư Ẩn phát hiện ngực mình đau. Khi nhìn xuống thì thấy ngực áo rách bươm, sợi dây bùa không còn nhưng da còn in hằn dấu bầm tím hình chiếc nanh heo. Và Tư Ẩn suy đoán là chiếc nanh heo đã đỡ 1 viên đạn găm đúng ngực mình.
Chết hụt, Tư Ẩn đào ngũ trở về Cao Lãnh tiếp tục theo thầy học đạo tà thuật. Nhờ tà thuật, Tư Ẩn dùng phép “ẩn thân” thoát được rất nhiều cuộc săn lùng đào binh của quân cảnh chế độ cũ cho đến khi đất nước thống nhất. Nhờ trốn quân dịch, Tư Ẩn đã học hết bài của sư phụ Ba Cao Lãnh.
Năm 1989, thầy Ba Cao Lãnh qua đời, thọ 99 tuổi, Tư Ẩn mới trở về Sài Gòn mưu sinh. Ở một góc Đồng Tháp, danh tiếng thầy Ba Cao Lãnh tạo thành một luồng giai thoại ly kỳ dân gian cho đến tận bây giờ. Tư Ẩn kể rằng, khi còn sống, thầy Ba Cao Lãnh có nuôi một vườn ngải tổ gọi là “huyết ngải độc thần tướng”.
Chỉ có đích thân thầy Ba Cao Lãnh và Tư Ẩn mới được phép tiếp cận vườn ngải. Mỗi khi vào vườn ngải, Tư Ẩn phải niệm chú hộ thân. Thầy Ba Cao Lãnh cho rằng những người yếu pháp thuật, khi đến gần sẽ bị ngải ăn thịt dẫn đến lở loét dần cho đến chết .
Thức ăn của ngải là thịt gà và … máu
Việc chăm sóc vườn huyết ngải này là một kỳ công. Ngoài việc xây tường thấp có dán bùa cách ly ngải với môi trường bên ngoài, đúng giờ ngọ mỗi trưa và mỗi đêm, sư phụ dùng nước “dạ thủy” ngậm vào mồm phun sương để “tắm” cho ngải. Để lấy nước dạ thủy, Tư Ẩn dùng một tấm vải thưa giăng 4 góc giữa trời đêm.
Ở giữa tấm vải găm 1 cây đinh để tạo thành vùng trũng. Mũi chiếc đinh hướng vào miệng 1 cái chai đặt dưới tấm vải. Hơi sương thấm vào tấm vải thành nước, chảy vào vùng trũng qua chiếc đinh rơi vào chai. Một phần nước sương pha với 10 phần nước mưa tạo thành nước tắm cho ngải. Để có đủ nước “tắm” ngải quanh năm, sư phụ dành hẳn một cái chum lớn để dự trữ nước mưa.
Sau mỗi lần “tắm”, ngải phải được “sưởi ấm” bằng hơi nhang và “nghe” thần chú.
Một cây thuộc chủng họ huyết ngải huyền thoại.
Mỗi năm chỉ cho ngải ăn 2 lần vào ngày xá tội vong nhân, rằm tháng 7 âm lịch và giờ giao thừa đầu năm. Thức ăn cho ngải là… gà trống thiến hoặc trứng gà.
Chính Tư Ẩn là người được sư phụ giao nhiệm vụ cho ngải ăn. Trước khi cho ngải ăn, con gà phải được tắm rửa thật sạch rồi chờ khô lông mới đưa vào vườn ngải.
Đến tận bây giờ Tư Ẩn vẫn còn sởn gai ốc mỗi khi nhớ tới cảnh ngải ăn thịt gà.
Con gà được thả vào vườn ngải đang ung dung thư thái đi sục thức ăn. Những cây ngải có vẻ hiền lành như cỏ, bất chợt rùng mình như đang ngủ ngon bị đánh thức. Những nhánh nhỏ nằm sát đất quắp lấy chân gà rất nhanh rồi co duỗi liên tục. Mỗi lần con gà giẫy giụa, đám ngải lại lao xao co duỗi những sợi nhánh để siết chặt hơn. Khoảng 1 phút sau, toàn bộ con gà bị quấn chặt nằm sát đất, cổ bị siết cứng không kêu được một tiếng.
Đến lúc này, hầu như toàn bộ vườn ngải đều hướng về phía con gà để hưởng thụ. Những sợi lông dài, ướt vươn ra bám vào da thịt con gà. Sau vài ngày, con gà chỉ còn trơ lông và xương. Thỉnh thoảng Tư Ẩn lại thấy một chú chuột vô phúc nằm bó xác trong vườn ngải.
Trứng gà ném vào, đám ngải cũng lao xao rồi quấn lấy. Vài ngày sau, vỏ trứng còn nguyên nhưng lòng trứng không còn.
Khi sai khiến ngải thực hiện một “phi vụ” cúng tế nào đó, sư phụ hoặc Tư Ẩn phải thưởng cho ngải một bữa tiệc máu. Sư phụ và Tư Ẩn dùng dao trích huyết của mình vào một cái chén rồi rưới lên đám ngải. Nó cũng lao xao đón nhận lấy máu như mừng rỡ, vui sướng. Những sợi lông ngải chụm đầu vào những giọt máu tươi, say sưa hưởng thụ.
Theo mô tả của Tư Ẩn, loại ngải độc này cao khoảng nửa mét, gần như không có lá chỉ có hoa và những sợi nhánh. Những cánh hoa có nhiều sợi lông màu đỏ như máu. Đầu mỗi sợi lông đều long lanh một giọt nước. Điều đặc biệt là khi no, ngải héo, khi đói ngải vươn thẳng đài hoa tua tủa ra khắp nơi. Ban ngày hoa tỏa hương thơm nhưng ban đêm lại hắt ra một thứ mùi thối rất khó chịu.-PageBreak-
Thịt người cũng là món khoái khẩu…
Một đêm đầu năm 1974, Tư Ẩn theo sư phụ dắt một đội lân đi múa chúc tết từng nhà để kiếm tiền lì xì. Múa đến nửa đêm thầy trò mới trở về nhà. Về đến nhà thầy Ba Cao Lãnh phát hiện có dấu kẻ trộm đột nhập. Tuy không mất gì đáng giá nhưng tên trộm giẫm chân dập nát vài cây ngải khiến sư phụ khóc ồ ồ. Khóc xong, sư phụ đốt nhang đọc chú, bắt ấn “trò chuyện” với ngải. Sư phụ cho biết ngải mách rằng sáng mai kẻ trộm sẽ đến dập đầu tạ lỗi.
Quả đúng như vậy, sáng hôm sau tên trộm vác thân đến quỳ lạy nhận tội, cầu xin thầy Ba Cao Lãnh cứu hắn. Hai cẳng chân tên trộm bị ngải làm nổi mụn nước lốm đốm như ghẻ. Thầy Ba Cao Lãnh cho biết, tên trộm đã bị ngải “ăn”. Nếu không làm phép trục “vong ngải”, 3 ngày sau hắn sẽ chết. Tên trộm thất kinh hồn vía khóc như mưa.
Thầy Ba Cao Lãnh bảo tên trộm mua 7 con gà trống thiến, 7 trứng vịt, 7 nắm xôi, 7 chai rượu trắng, 7 bó nhang và 7.000 đồng đến cúng tổ ngải, ông sẽ trục vong ngải.
Ngày hôm sau, tên trộm mang lễ vật đến thì Tư Ẩn thấy ngải đã ăn khắp thân thể, các mụn nước lở loét thành mủ. Thầy Ba Cao Lãnh bắt tên trộm cởi trần truồng lạy khắp các bàn thờ tổ hơn 3 giờ, trong khi đó ông liên tục đọc chú, bắt ấn. Kết thúc nghi lễ, thầy Ba Cao Lãnh dùng củ ngải khô đã “luyện chú” cho vào miệng nhai cùng với hớp rượu trắng. Ông phun rượu với xác ngải vào người tên trộm.
Sau 7 ngày cúng tế liên tục như vậy, tên trộm mới hết bệnh. Sau vụ đó, tên trộm xin thầy Ba Cao Lãnh cho theo học đạo. Thầy Ba Cao Lãnh giao đệ tử mới cho Tư Ẩn trực tiếp dạy. Tên trộm chỉ đủ nhẫn nại học được vài phép chữa bong gân, sửa khớp thì bỏ học trốn về Tây Ninh cư trú. Tên trộm đó chính là Năm Phờ (đã đổi tên), bây giờ cũng là một pháp sư ẩn cư ở huyện Tân Biên, Tây Ninh.
Theo mô tả, vết thương do ngải ăn thịt gây ra sẽ giống như vết bỏng.
Cho đến tận bây giờ, ông Năm Phờ và Tư Ẩn vẫn thường xuyên liên lạc với nhau.
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tìm gặp Năm Phờ để xác minh tính xác thực của câu chuyện.
Năm Phờ xác nhận chuyện mình bị ngải “ăn” có thật và cho biết thêm: “Đêm đó, tôi có nhổ một cây ngải về nhà trồng. Khi biết mình bị ngải ăn, hoảng quá tôi đã đào hầm chôn sâu xuống đất vẫn chưa yên tâm. Trong 3 năm đó nếu không học được cách thu phục ngải thì 3 năm sau ông ngải sẽ trồi đất lên báo thù cả gia đình. Vì vậy, tôi xin theo thầy Ba Cao Lãnh học nghề để trấn áp ông ngải. Nhưng khi trở thành học trò rồi, mỗi lần tôi xin ổng bùa khắc chế ông ngải, sư phụ đều lắc đầu bảo, mày phải học từ thấp lên cao. Học đến 10 năm sau thì cả gia đình tôi chết vì ngải mất. Vì vậy, tôi quyết định bán nhà đưa vợ con trốn về Tây Ninh”.
Ngày thầy Ba Cao Lãnh qua đời vườn ngải héo úa rồi tàn lụi dần, dù đã tìm đủ mọi cách chăm sóc, Tư Ẩn cũng đành bó tay nhìn đám ngải chết rũ.
Thầy Năm Phờ đang dùng bùa ngải trị sưng trật cho bệnh nhân.
Tư Ẩn nghĩ rằng, lúc đó mình chưa đủ trình độ nuôi nên ngải bỏ đi. Bây giờ, sau bao nhiêu năm tu luyện, Tư Ẩn thuộc làu tất cả những bài chú, có thể vẽ một lá phù nhanh như chớp, thủ được tất cả các loại ấn quyết của môn phái nhưng chưa luyện được một bảo bối nào ra hồn cho riêng mình. Với giới tà thuật, để có được vị trí danh vọng cao nhất, pháp sư cần phải có 1 trong 2 món bảo bối tuyệt đỉnh. Đó là: thiên linh cái hoặc huyết ngải độc thần tướng.
Luyện thiên linh cái vừa phạm tội sát nhân vừa phạm luật hình sự, không thầy pháp nào muốn nhận án tử hình trước khi luyện thành công bảo bối vô địch này. Vì vậy, không chỉ riêng thầy Tư Ẩn mà tất cả các pháp sư đều mơ ước sở hữu trong tay một cây huyết ngải độc thần tướng để luyện đại bảo bối. Có pháp sư đã từng ra giá vài trăm triệu đồng một cây huyết ngải cho người nào “săn” được vị trí mọc càng khiến huyền thoại về loại cây này có thêm mùi … máu.
Sự thật về câu chuyện huyết ngải độc thần tướng như thế nào, chúng tôi sẽ trở lại trong số báo tới