KhaKhuTru
Become a Gentleman
ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 500 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng (SDD) trên toàn cầu, trong đó có 150 triệu trẻ em ở Châu Á,chiếm 44% tổng số trẻ em dưới 5 tuổi [9].
Tại Việt Nam theo kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng (6 tháng đầu năm 2013), tỷ lệ SDD thấp còi cuả trẻ em dưới 5 tuổi trong toàn quốc là 26,7%, SDD cân nặng là 16,2%. [1]
SDD ở trẻ em không đơn thuần chỉ là hậu quả của sự thiếu thức ăn hay thiếu chăm sóc về y tế, vệ sinh môi trường, mà chất lượng chăm sóc và nuôi dưỡng còn phụ thuộc nhiều vào kiến thức và thời giancủa người chăm sóc trẻ. Nhiều trẻ em, bố mẹ có thu nhập khá vẫn bị SDD, vì nhiều là bà mẹ chưa biết cách chăm sóc con cái [1].
Nuôi con bằng sữa mẹ không đúng, đặc biệt là không nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho ăn bổ sung không phù hợp, thức ăn bổ sung nghèo nàn, đơn điệu... là những yếu tố có nguy cơ cao làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong ở trẻ nhỏ. Những ảnh hưởng do nuôi dưỡng sai lầm trong thời kì này kéo dài trong suốt cuộc đời của đứa trẻ biểu hiện qua kém trí tuệ, giảm khả năng lao động, thiệt thòi trong cuộc sống xã hội, cộng đồng... [1]
Ăn bổ sung ( ăn dặm, ăn sam ) ở trẻ nhỏ là bước chuyển lớn từ chế độ ăn hoàn toàn bằng sữa sang chế độ ăn có thức ăn đặc. Đây là giai đoạn phát triển thiết yếu đối với trẻ. Sữa vẫn sẽ tiếp tục là nguồn cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho bé trong một thời gian nữa, nhưng khi trẻ đã trở nên lanh lợi hơn, thức ăn đặc sẽ trở thành phần chính yếu trong chế độ ăn uống cân bằng rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ [1].
Nghiên cứu về vấn đề ăn bổ sung là một việc rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ em, giúp trẻ hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện sau này.Vậy mục tiêu của chuyên đề “Ăn bổ sung ở trẻ nhỏ” bao gồm:
1. Trình bày được khái niệm ăn bổ sung, nguyên nhân, hậu quả của việc cho ăn bổ sung không đúng cách và các vấn đề dị ứng trong ăn bổ sung ở trẻ nhỏ.
2. Mô tả thực trạng việc trẻ được cho ăn bổ sung hiện nay.
3. Trình bày được các phương pháp cho trẻ ăn bổ sung, xây dựng khẩu phần ăn và chế độ ăn hợp lý.
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN
1.1. Khái niệm ăn bổ sungTheo WHO/UNICEF (1988): Bất kì một loại thực phẩm, dịch lỏng nào ngoài sữa mẹ có chứa chất dinh dưỡng được dùng cho trẻ ăn uống trong giai đoạn ăn bổ sung đều được coi là thức ăn bổ sung [2].
Ăn bổ sung ( ăn dặm, ăn sam ) – là bữa ăn đầu đời của trẻ, quan trọng không phải chỉ vì cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ của trẻ mà còn vì chúng là "sứ giả" giới thiệu thế giới muôn ngàn mùi vị của thức ăn. Những bữa ăn đầu đời định hướng cảm nhận ẩm thực, thói quen ăn uống cho trẻ.
Trong 4-6 tháng đầu tiên, trẻ chỉ bú sữa. Nhưng trong 6 tháng tiếp theo, trẻ bắt đầu ăn bổ sung và đến khi 1 tuổi trẻ đã ăn được hầu hết các thức ăn như người lớn. Sự chuyển tiếp này là một vấn đề lớn vì cả mẹ và trẻ cần làm quen dần với khái niệm “bữa ăn gia đình”. Để giải quyết vấn đề này, người mẹ cần cho trẻ ăn bổ sung từng bước để trẻ có thời gian làm quen với thức ăn mới, tuy vậy nhưng trong thời gian này sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất cho trẻ. Vì vậy nên tiếp tục cho trẻ bú mẹ và dùng bổ sung thêm sữa công thức phù hợp với độ tuổi của trẻ.
1.2. Nguyên nhân của việc ăn bổ sung không đúng cách
1.2.1. Nguyên nhân
- Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều bà mẹ thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết về lợi ích của sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Trong suy nghĩ của họ vẫn còn có những quan niệm sai lầm và lạc hậu như: sữa mẹ chưa có trong những giờ đầu sau khi sinh, cần cho trẻ ăn bổ sung sớm để trẻ cứng cáp. Có người còn nói, nhiều đứa trẻ không bú sữa mẹ vẫn lớn nhanh như thổi đó thôi.
- Một nguyên nhân khác là hiện nay trên thị trường rất đa dạng sữa cho trẻ em, nhiều bà mẹ nghĩ rằng nó tốt hơn sữa mẹ nên đã chú trọng nuôi bằng sữa ngoài.
- Nhiều bà mẹ mang thai tháng thứ 7, thứ 8 vẫn phải làm việc, lượng sữa của những người mẹ rất ít. Có một số chị sau khi sinh vài tháng vì “tham công tiếc việc” nên lao vào làm việc. Vì thế, không nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
- Còn đối với chị em là cán bộ công chức, viên chức nhà nước, công nhân thì việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ cũng gặp không ít khó khăn. Việc chỉ nghỉ sinh 4 tháng cùng với áp lực công việc đã làm cho nhiều người dù muốn cũng không thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Có một số chị có sự hỗ trợ của người nhà, nhưng phần lớn thì không được như vậy. Vì thế, cho con ăn dặm khi chưa đủ 6 tháng tuổi là giải pháp mà nhiều chị em đã lựa chọn.
1.2.2. 1 số sai lầm trong việc cho trẻ ăn bổ sung
- Cho trẻ ăn nước hầm (ninh) không rõ từ bao giờ.
- Nấu một nồi cháo to dùng cho 3 bữa trong ngày, hâm đi hâm lại. Do quá bận rộn, một số bà mẹ đã phải làm cách này vì thời gian hầm một nồi cháo khá lâu, mà bé lại ăn mỗi bữa không nhiều.
- Cho trẻ ăn bổ sung quá sớm hoặc quá muộn.
1.2.3. Lưu ý khi nêm nếm thức ăn của trẻ
Trẻ nhỏ có cảm giác vị giác tốt hơn người lớn rất nhiều, vì con người càng lớn thì lưỡi càng bị "chai đi" và nhiều người già bị mất cả cảm giác này. Vì vậy khi nêm nếm thức ăn cho trẻ, bạn cần nêm nhạt hơn một chút. Nếu bạn nêm vừa miệng mình thì có lẽ là quá mặn hoặc quá ngọt so với trẻ.
1.3. Hậu quả của việc cho trẻ ăn bổ sung không đúng cách
1.3.1. Hậu quả chính
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị cho trẻ bú hoàn toàn trong 4-6 tháng đầu. Song trong thực tế vẫn còn một số bà mẹ chưa cho con ăn bổ sung khi mới được 2-3 tháng tuổi. Họ cho rằng cho ăn bột sớm thì bé sẽ cứng cáp hơn. Quan điểm này không có cơ sở khoa học.
Thức ăn bổ sung thường là tinh bột và các thứ khác. Để tiêu hóa tinh bột phải có men amylasa.Men này có rất ít ở tuyến nước bọt và tuyến tụy của trẻ 3 tháng tuổi, hoạt tính lại rất yếu, chỉ bằng 10% so với người lớn. Việc cho trẻ ăn bột sớm sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ các chất dinh dưỡng khác, dẫn tới những nguy cơ về sức khỏe của trẻ trong hiện tại và cả tương lai. Cụ thể là trẻ ăn dặm sớm ít bú mẹ hơn, bà mẹ sẽ tạo được ít sữa hơn.
Một số nghiên cứu còn cho thấy, thức ăn bổ sung như bột ngũ cốc, rau, quả... có thể ảnh hưởng tới sự hấp thu sắt trong sữa mẹ. Hậu quả là trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt.
Việc ăn bổ sung quá sớm cũng làm tăng nguy cơ béo phì. Khi mới thay đổi chế độ ăn, trẻ chưa quen nên không muốn ăn, nôn oẹ, rối loạn tiêu hóa... nhưng dần dần cơ thể cũng phải thích ứng. Men amylasa được tăng tiết khi tinh bột và các thức ăn khác đưa vào bữa ăn của trẻ. Thận cũng được kích thích làm việc nhiều hơn, tăng khả năng lọc và bài tiết. Khi trẻ đã thích nghi với chế độ ăn bổ sung, bà mẹ càng tích cực nhồi nhét vì cho là trẻ ăn càng nhiều càng tốt. Trẻ ăn quá nhiều trở thành thói quen, dẫn đến tăng cân quá mức. Bệnh béo phì xuất hiện.Nếu không được điều chỉnh thì bệnh phát triển mãi đến tuổi trưởng thành.
Một nguy cơ có thể gặp nữa là bệnh tăng huyết áp. Trong sữa mẹ, hàm lượng natri thấp, khoảng 15 mg%, đủ đáp ứng nhu cầu cho trẻ. Khi ăn bổ sung, lượng natri đưa vào cơ thể tăng lên rất nhiều lần, đặc biệt là khi bà mẹ có thói quen ăn mặn. Đây là một trong những yếu tố chính gây ra bệnh tăng huyết áp. Trong thực tế, béo phì và tăng huyết áp có liên quan với nhau.
Ăn bổ sung quá sớm cũng có thể dẫn đến xơ vữa động mạch. Các bà mẹ đều muốn dành cho con những gì bổ nhất mà không biết rằng mỗi lứa tuổi có nhu cầu ăn uống khác nhau. Chế độ ăn quá nhiều năng lượng, nhiều axit béo no rất dễ làm phát triển bệnh xơ vữa động mạch ở tuổi trưởng thành.
Những trẻ được ăn dặm sớm cũng có nhiều nguy cơ dị ứng thức ăn. Một nghiên cứu được tiến hành với nhóm trẻ từ lúc mới sinh đến 3 tuổi cho thấy, ở những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và sau đó ăn bổ sung hợp lý, tỷ lệ bị eczema rất thấp so với nhóm được nuôi bằng sữa bò và ăn bổ sung quá sớm.
Ngược lại, nếu ăn bổ sung quá muộn thì trẻ thường bị thiếu chất, chậm lớn, tăng nguy cơ mắc bệnh.
1.3.2. Ngoài ra:
- Trước 4 tháng tuổi, sự phát triển thể chất chưa hoàn thiện đủ để bé bắt đầu ăn dặm. Có 6 nguyên nhân nguy hiểm khi cho bé ăn dặm quá sớm:
+ Dù bé mút sữa khá tốt nhưng tuyến nước bọt chưa thành thục cho việc tiêu hóa thức ăn. Khoảng 4 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của bé mới bắt đầu tiết ra một enzyme, gọi là amylase, cần thiết cho việc tiêu hóa bột ăn dặm (chất tinh bột và carbonhydrate). Trước 6 tháng tuổi, cơ thể khá khó khăn khi tiêu hóa chất béo. Một số chất không thể tiêu hóa nổi sẽ bài tiết theo phân, ra ngoài. Những thức ăn giàu protein như trứng, thịt, hoặc sữa bò, nếu được cho ăn quá sớm sẽ gây hại thận.
+ Nếu cho ăn dặm quá sớm, cơ thể của bé chưa đủ phát triển để sẵn sàng cho việc ăn dặm. Các cơ ở cổ họng còn yếu, chưa phù hợp với hoạt động nuốt thức ăn, cho đến khi ít nhất bé được 4 tháng tuổi.
- Dưới 4 tháng tuổi, bé cũng chưa biết dùng lưỡi để chuyển thức ăn từ bên ngoài và bên trong khoang miệng.
+ Chẳng hạn, khi bạn chạm nhẹ vào lưỡi của bé, ngay lập tức, bé phản ứng bằng cách đẩy lưỡi ra ngoài. Đây là hoạt động tự nhiên ở bé sơ sinh và chỉ chấm dứt, đến khoảng 16-18 tháng tuổi.
+ Lần đầu tiên dùng thìa xúc thức ăn cho bé, bé thường ngậm chặt miệng lại. Nhưng gần 5 tháng tuổi, nếu bé nhìn thấy chiếc thìa, bé sẽ sớm há miệng ra rộng hơn – phản ứng tự nhiên khi bé đã trưởng thành hơn.
+ Bé có thể bày tỏ thái độ rằng: “Con không muốn ăn nữa”; chẳng hạn, khi cho bé “bú mẹ”, bé chán là phản ứng bằng ngừng bú hoặc ngủ thiếp đi. Nhưng để bé biết quay đầu, từ chối thức ăn thì phải đợi đến 4-5 tháng tuổi.
+ Dưới 4 tháng tuổi, thường không biết dấu hiệu bé có muốn ăn nữa hay không. Do đó, nhiều người mẹ thấy việc cho bé ăn dặm trước 4 tháng tuổi là khá nhàn, vì bé ít quay ngang – quay dọc. Chuyện này dẫn tới việc lạm dụng bột ăn dặm cho con, khiến bé dễ thừa cân về sau.
- Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn dặm sớm có liên quan đến những vấn đề sức khỏe của bé sau này như béo phì, trục trặc ở hệ hô hấp như hen suyễn hay dị ứng thức ăn.
Tải về bản đầy đủ tại đây
Chỉnh sửa cuối: