Phương pháp Mẹo làm bài thi vật lý đạt điểm tối đa

H

Huy Hoàng

Guest
Năm nay, Vật lý là một trong hai môn tự chọn có lượng thí sinh đăng ký vượt trội. Vì vậy, đạt điểm cao trong môn thi trắc nghiệm này là mục tiêu phấn đấu của nhiều thí sinh. Để không bỏ qua từng 0,25 điểm nhỏ, thí sinh có thể tham khảo phương pháp làm bài dưới đây.
mẹo làm bài thi vật lý.jpg
Nghiên cứu kỹ cấu trúc đề thi
Năm 2016, Bộ GD&ĐT không đưa ra đề thi minh họa như năm trước, nhưng Bộ khẳng định cấu trúc đề không có nhiều thay đổi. Với môn Vật lý, đề thi sẽ tăng cường tính phân hóa với nhiều câu hỏi mở, câu hỏi vận dụng kiến thức thực tiễn. Theo đó 60% câu hỏi mang tính đại trà, với những câu hỏi lý thuyết, dễ dàng vượt qua nếu nắm vững kiến thức cơ bản. 20% câu hỏi ở mức trung bình đòi hỏi các em vận dụng 1 đến 2 công thức thì sẽ có kết quả. 20% câu hỏi có tính vận dụng cao, để làm được ngoài kiến thức trong sách giáo khoa các em cần luyện thêm khả năng phân tích tổng hợp. Sẽ có khoảng 5 câu hỏi cực khó, dành cho các em học sinh xuất sắc có tư duy và kỹ năng làm bài tốt.

Thuộc nằm lòng kiến thức sách giáo khoa
Các đáp án trong những câu hỏi lý thuyết trong đề thi có dạng gần giống nhau, do đó nếu thuộc lòng các tính chất, định luật, định lý, khái niệm, công thức… thì thí sinh sẽ nhanh chóng chọn được đáp án đúng. Ngoài ra, thí sinh cần phân biệt được các đại lượng vật lý ứng với từng công thức, các đơn vị đo kèm theo và cách quy đổi các đơn vị chuẩn xác. Ngoài ra, thí sinh cũng nên luyện vẽ các dạng biểu đồ, sơ đồ thường gặp trong đề thi để có thể phân tích dạng đề này một cách nhanh chóng và chính xác khi làm bài.

Vận dụng nhuần nhuyễn các công thức
Với những câu hỏi ở mức độ vừa phải, các em đôi khi không cần phải tính toán nếu biết vận dụng và liên kết các công thức với nhau để cho ra đại lượng vật lý phù hợp nhất. Nên kết hợp thêm kiến thức của nhiều chương với nhau, ví dụ các chương I, II, III, IV trong sách đều sử dụng phương trình dao động, do đó có thể sử dụng cách tính của chương này để áp dụng trong chương kia… hoặc kết hợp với kiến thức lớp dưới như sử dụng kiến thức chuyển động tròn đều vào để tính thời gian ngắn nhất vật đi từ vị trí 1 đến vị trí 2 trong dao động điều hòa hay con lắc đơn dao động khi thang máy chuyển động…

Không nên bỏ qua bước đọc đề thi
Trước khi bắt đầu làm bài thi, thí sinh có 5 -10 phút để đọc đề, các em không nên bỏ qua bước này, mà nên tận dụng thời gian này để phân chia đề. Những câu dễ hơn nên đánh dấu lại để làm trước, nếu chắc chắn 100% có thể lập tức tô đáp án. Khi làm bài nếu mắc ở câu nào thì không nên dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ, tạm thời bỏ qua để làm những câu khác, nếu còn thời gian thì quay lại làm những câu còn dang dở.

Rèn cách loại đáp án
Khi đọc đề nếu có thể loại trừ những đáp án sai ngay lập tức thì phải gạch bỏ ngay. Tìm điểm giống nhau, khác nhau giữa các đáp án để thấy được sự vô lý nằm ở đâu nhằm thu hẹp phạm vi lựa chọn. Đôi khi để tìm ra đáp án tối ưu thí sinh phải thử từng câu trả lời vào công thức.

Không bỏ trống câu nào
Thí sinh không nên bỏ trống bất kỳ câu hỏi nào, vì nếu trả lời sai thì không bị trừ điểm, ngay cả khi tô đáp án theo cảm tính, thí sinh cũng có xác suất trả lời đúng nếu may mắn.

Tập trung vào 35 câu đầu tiên
Đề thi sẽ xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, để kiếm chắc 7 điểm trong tay thí sinh tập trung vào 35 câu đầu tiên. Trong đề, có khoảng 50% là câu hỏi dễ có thể hoàn thành nhanh nếu thuộc kiến thức trong sách giáo khoa; 20% là câu hỏi suy luận ngắn, nắm chắc các định lý, công thức, nếu hiểu bản chất và biết biến đổi đổi chút là có thể làm được; khoảng 30% câu hỏi ở mức độ vận dụng vừa phải, đòi hỏi thí sinh có kỹ năng phân tích và tư duy tốt. Có khoảng 5 câu trong đề ở mức độ vận dụng cao, dành cho các thí sinh xuất sắc đạt điểm tối đa.

Tự tóm tắt kiến thức trong quá trình ôn tập
Chỉ có bản thân mình mới rõ nhất kiến thức của bản thân còn thiếu sót ở đâu. Vì vậy, khi luyện đề hoặc đọc các tài liệu ôn thi thí sinh nên chủ động tóm tắt lại những kiến thức cần thiết cho mình để dễ dàng tra cứu. Ngoài ra, nên ghi chú lại những lỗi sai hay mắc phải và cách khắc phục để tránh mắc phải trong những lần làm bài sau.

Tự đánh giá năng lực sau mỗi lần luyện đề
Trong quá trình ôn thi, thí sinh nên thực hiện đúng quy trình làm bài như thi thật, tập cách phân bổ thời gian làm bài mỗi phần sao cho phù hợp. Mỗi đề nên luyện ít nhất 2 lần, lần sau thời gian làm phải rút ngắn hơn lần đầu và phải khắc phục được những lỗi sai từng mắc phải. Sau khi hoàn thành mỗi đề thi, thí sinh tự đối chiếu đáp án, tìm ra những lỗi sai, ghi chép lại để khắc sâu thêm kiến thức.

Sưu tầm internet
 

Members online

No members online now.
Back
Top