Chúng ta từng chứng kiến những vụ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét vùi lấp cả một bản làng, xóa sổ hàng chục ha ruộng nương, sạt lở hàng trăm mét đường ở Sìn Hồ, Mường Lay tỉnh Lai Châu, Bắc Trà My tỉnh Quảng Nam, tỉnh Gia Lai… Gần đây, vụ sạt lở đất nghiêm trọng trên đường số 6 tỉnh Hòa Bình lại gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản.
Thiên tai xảy ra một phần là do con người. Chúng ta chặt hết cây to, đốt rừng, canh tác nương rẫy ở những nơi có độ dốc lớn, không có các biện pháp giữ độ ẩm và làm giàu đất. Điều này làm cho đất ngày càng khô cằn, thoái hóa. Mùa mưa bão, không còn nhiều rễ cây to, sâu và rộng bám đất, giữ nước. Nước mưa sẽ tạo thành sình lầy trong lòng đất cùng với dòng nước chảy chia cắt phía trên đỉnh, sườn và dưới chân đồi núi. Nước xoáy vào chân đồi tạo ra lũ và những vụ sạt lở đất lớn.
Sung và si là hai loại cây có bộ rễ ăn rất sâu, rộng và chắc. Nếu được trồng nhiều chúng sẽ có tác dụng trên diện rộng. Hai loại cây này đều dẻo dai chống chọi và thích nghi với mọi điều kiện khô hạn, nóng rét, úng lụt, gió bão. Chúng không kén đất, dễ gây giống, dễ trồng, vốn và công chăm sóc ít. Khi ra trái, chúng sẽ phát triển nhanh, rộng bằng cách phát tán quả chín chứa hạt đi khắp nơi.
Sạt lở núi làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng tới của cải, tính mạng người dân. Ảnh minh họa
Sung và si có thể lớn thành những cây cổ thụ cao to có tuổi thọ hàng trăm năm. Rễ, thân, cành, lá, quả chứa nhiều nước, lá xanh quanh năm, khả năng giữ độ ẩm trong đất, trong không khí và khả năng chống cháy rất cao. Sung và si không “xung khắc” với các cây khác. Ở những nơi có sung và si phát triển, đất đai màu mỡ, độ ẩm tốt và các cây khác cũng phát triển tốt hơn. Trái của chúng còn là nguồn thức ăn tốt cho trâu, bò, dê, lợn và các loài chim thú. So với các loại cây khác thì sung và si cũng ít bị con người chặt phá hơn.
Gây con giống cho sung và si bằng cách ươm hạt lấy từ quả chín (sung) và chiết cành (si). Cả hai loại trên nếu trồng vào đầu mùa mưa thì tỷ lệ sống rất cao. Thời gian đầu cũng không cần tưới nước, chỉ cần không để cây và cỏ xung quanh che lấp là chúng có thể sống. Sung có thể trồng ở những vị trí xung yếu như khe, rãnh, chân đường giao thông nơi giáp bờ sông, suối, men theo sườn taluy. Si có thể trồng trên đỉnh, sườn đồi núi. Mật độ khoảng cách của hai loại cây này là 2 mét một cây.
Trên tất cả các đồi núi, taluy (vạt dốc bên đường), nhà ở, bờ sông, suối, khe, ruộng – những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao, đều có thể trồng nhiều sung và si để bảo vệ. Trên nương rẫy, sườn và đỉnh, bà con nên trồng si, chân rẫy trồng sung và tre. Mô hình trồng sắn dây, dong riềng, xen kẽ các cây lấy gỗ và quả có giá trị khác như mít, xoan… kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra, bà con cũng không nên quên tận dụng và sử dụng phân hữu cơ, phân xanh ủ mục. “Nương rẫy xanh” chắc chắn sẽ hạn chế thoái hóa đất, chống sạt lở, lũ, và đặc biệt sẽ tạo thu nhập ổn định và bền vững cho bà con. Mô hình trên có thể áp dụng cho tất cả các vùng miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Trồng sung và si những nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở miền núi vùng cao dễ làm và không tốn kém. Chỉ sau 10 năm, chúng sẽ phát triển rất nhanh, bền vững. Chúng sẽ là những “chiến lũy xanh” bảo vệ đất đai, nương rẫy, bảo vệ những tuyến đường và cuộc sống của con người.
Từ ngày 27/2 đến 27/8, độc giả VnExpress có thể tham gia cuộc thi “Bảo vệ môi trường” dưới dạng bài viết, chùm ảnh, video mô tả thực trạng môi trường hư ô nhiễm không khí, nước…; đề xuất các sáng kiến bảo vệ hoặc nâng cao chất lượng môi trường; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với bài dự thi là ảnh, độc giả gửi tối thiểu là 5 bức và tối đa 10 bức. Các bức ảnh cần có chú thích rõ ràng, dễ hiểu, có chú thích về địa danh, bối cảnh chụp. Chiều ngang của ảnh là 480 px. Dung lượng mỗi ảnh không vượt quá 10 MB. Đối với bài dự thi là clip, video, thời lượng tối thiểu 90 giây, thời lượng tối đa 3 phút, dung lượng dưới 100 MB.
Bài viết được thể hiện trên Word có độ dài không quá 1.500 từ, ảnh minh họa cho bài viết được gửi riêng, không “dán” vào Word và phải có chú thích rõ ràng cho ảnh.
Xem thể lệ cuộc thi chi tiết tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây
Nguyễn Văn Mạnh