[Đề Cương] Tóm tắt nội dung ôn tập môn Marketing căn bản

KhaKhuTru

Become a Gentleman
CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ MARKETING

I. KHÁI NIỆM CHUNG VỀ MARKETING

1. KHÁI NIỆM

Marketing là một dạng hoạt động của con người nhằm thoả mãn các nhu cầu và mong muốn thông qua trao đổi.

- Nhu cầu là cảm giác thiếu hụt một cái gì đó mà con người cảm nhận được. Nhu cầu của con người rất đa dạng và phong phú, bao gồm các nhu cầu sinh lý cơ bản như ăn, mặc, sự an toàn và các nhu cầu xã hội như sự thân thiết gần gũi, tình cảm gắn bó, uy tín, nhu cầu về tri thức, tự thể hiện mình

- Mong muốn là một nhu cầu có dạng đặc thù, tương ứng với trình độ văn hoá và nhân cách của cá thể. Mong muốn được biểu hiện ra thành những đối tượng có khả năng thoả mãn nhu cầu. Những mong muốn rất đa dạng và khác nhau, liên tục được uốn nắn điều chỉnh bởi những lực lượng và tổ chức xã hội: các đoàn thể, trường học, gia đình và các công ty kinh doanh.

- Yêu cầu là mong muốn kèm thêm điều kiện có khả năng thanh toán.

- Hàng hoá là tất cả những cái gì có thể thoả mãn được mong muốn hay nhu cầu và được cung ứng cho thị trường nhằm mục đích thu hút sự chú ý, mua, sử dụng hay tiêu dùng.

Khái niệm hàng hoá không chỉ giới hạn ở những đối tượng có hình thái vật chất. Hàng hoá có thể là tất cả những gì có khả năng phục vụ, tức là thỏa mãn được nhu cầu.

- Trao đổi là hành vi nhận từ một người nào đó thứ mà mình muốn và đưa lại cho người ấy một thứ gì đó.

Trao đổi chỉ có thể tiến hành với 5 điều kiện sau:

+ Có ít nhất hai bên

+ Mỗi bên phải có cái gì đó có giá trị đối với bên kia;

+ Mỗi bên đều có khả năng thông tin .và' phân phối cung cấp (giao hàng);

+ Mỗi bên hoàn toàn được tự do chấp nhận hay khước từ đề nghị của bên kia;

+ Mỗi bên đều mong muốn trao đổi với bên kia.

Đây là 5 điều kiện cần của một cuộc trao đổi. Cuộc trao đổi có diễn ra hay không còn tuỳ thuộc vào sự thoả thuận giữa các bên. Tuy nhiên, khi cuộc trao đổi đã diễn ra có thể khẳng định rằng các bên tham gia đều có lợi hay ít nhất không bên nào bị thiệt.

- Thị trường là tập hợp những khách hàng tiềm năng cùng chia sẻ một mong muốn hay nhu cầu đặc biệt nào đó, họ sẵn lòng và có khả năng trao đổi để thỏa mãn mong muốn hay nhu cầu đó.

- Tiếp thị và người làm tiếp thị: Mục đích của tiếp thị là chuyển các thông báo, thông điệp về sản phẩm đến người tiêu dùng.Bên nào tích cực hơn trong việc tìm kiếm sự trao đổi so với bên kia thì làm người tiếp thị. Như vậy người làm tiếp thị có thể gọi khác đi là một người bán hay một người mua. Nếu cả hai bên đều là những người làm tiếp thị thì gọi tình huống đó là Marketing hai chiều.

2. CHỨC NĂNG CỦA MARKETING .

- Chức năng làm thích ứng sản phẩm với nhu cầu của thị trường

Thực hiện chức năng này, Marketing nghiên cứu thị trường tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, chỉ ra cho họ cần phải sớm sản xuất gì, sản xuất như thế nào, sản xuất với khối lượng ra sao và bao giờ đưa vào thị trường.

- Chức năng phân phối

Chức năng này bao gồm toàn bộ những hoạt động nhằm tổ chức sự vận động tối ưu các sản phẩm từ khi nó kết thúc quá trình sản xuất đến khi nó được giao cho các cửa hàng bán buôn, bán lẻ hoặc được giao trực tiếp cho người tiêu dùng.

- Chức năng tiêu thụ hàng hóa Chức năng này gồm hai hoạt động lớn:

+ Kiểm soát giá cả

+ Chỉ ra các nghiệp vụ và nghệ thuật bán hàng.

- Chức năng yểm trợ

Thực hiện chức năng. Marketing có nhiều hoạt động phong phú, đóng vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động Marketing. Tuy nhiên cần phải giữ đúng liều lượng và mức độ nếu không chúng trở nên mất tác dụng. Thuộc chức năng này Marketing bao gồm các hoạt động sau quảng cáo, xúc tiến bán hàng, dịch vụ sản phẩm, hội chợ v.v...

II. MỤC TIÊU CỦA HỆ THỐNG MARKETING

Hoạt động thực tiễn của Marketing có ảnh hưởng lớn tới con người trong xã hội cho dù họ là người mua, người bán hay người dân thường, ảnh hưởng đó của Marketing đến mọi người trong xã hội theo nhiều phưng thức khác nhau, nảy sinh nhiều mâu thuẫn và các ý kiến trái ngược nhau. Một số người kịch liệt phản đối hoạt động Marketing hiện đại, lại có một số người hăng hái bảo vệ Marketing. Tuy nhiên, mục tiêu chính của toàn bộ hệ thống Marketing được xác định trong 4 mục tiêu sau:

- Đạt được mức tiêu dùng cao nhất

- Đạt được mức độ thoả mãn người tiêu dùng cao nhất

- Dành cho người tiêu dùng quyền lựa chọn lớn nhất.

- Nâng cao hết mức chất lượng đời sống.

Tải về bản đầy đủ tại đây
 

Members online

No members online now.
Back
Top